Tin tức

Tân Tổng Giám đốc Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam: Ưu tiên số 1 là an toàn

Tôi muốn nhấn mạnh, an toàn là ưu tiên số 1 trong ngành Hàng không nói chung và trong quản lý bay nói riêng. Trong yếu tố an toàn, con người là quan trọng nhất”, TS Phạm Việt Dũng chia sẻ với Báo Giao thông ngay khi nhậm chức Tổng giám đốc Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam.

Bắt đầu nghĩ đến hai từ “trọng trách”

Ông vừa trúng tuyển và trở thành tân Tổng Giám đốc Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam. Cảm giác của ông thế nào khi nhận được tin này?

Cảm giác đầu tiên của tôi là hạnh phúc và thật bất ngờ. Khi nộp đơn dự thi tôi cũng chưa nghĩ rằng mình có được kết quả này, nhưng hy vọng thì cũng có. Đã quyết định dự thi, dù kết quả thế nào thì điều quan trọng nhất là bản thân phải quyết tâm và nỗ lực hết sức.

Sau tất cả những cảm giác ban đầu, tôi bắt đầu nghĩ đến hai từ “trọng trách”. Làm thế nào để hoàn thành chức trách được giao là điều tôi luôn suy nghĩ.

Trong kỳ thi vừa rồi, Ban giám khảo có tới ba vị tướng quân đội, ba Anh hùng - những người rất có kinh nghiệm, hiểu biết sâu sắc về ngành. Khi đối mặt với họ, ông có bị áp lực tâm lý?

Ban Giám khảo cuộc thi lần này có tới hai Anh hùng Lực lượng vũ trang (nguyên Thứ trưởng GTVT, nguyên Cục trưởng Cục Hàng không VN Nguyễn Tiến Sâm; Trung tướng Nguyễn Đức Soát, nguyên Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân VN) và Anh hùng Lao động Thời kỳ đổi mới là nguyên Tổng Giám đốc Trung tâm Quản lý bay Việt Nam Trần Xuân Mùi. Đây đều là những người hiểu rất sâu sắc về ngành hàng không nói chung và về quản lý bay nói riêng.

Lần đầu tiên tôi được tham dự kỳ thi có một Ban giám khảo cao cấp và uy tín như vậy. Bản thân tôi thấy vinh dự, tự hào, nhưng thú thật là cũng hơi lo lắng, mặc dù đã được trực tiếp làm việc với các bác trong nhiều năm công tác.

Với kiến thức được trang bị, kinh nghiệm được tích lũy qua quá trình dài liên tục làm việc trong ngành Hàng không và trách nhiệm khi đặt mình vào vị trí cần phải đưa ra chương trình hành động, tôi đã quyết tâm và dành hết tâm huyết của mình xây dựng Đề án.

Ông cảm nhận thế nào về các câu hỏi của giám khảo với các thí sinh trong kỳ thi vừa rồi?

Như tôi đã nói, giám khảo cuộc thi đều là những người am tường về ngành Hàng không và rất có kinh nghiệm. Những câu hỏi giám khảo đưa ra thực sự khó và ở tầm bao quát, xoáy vào những vấn đề thực tiễn, bức thiết của ngành. Tôi cho rằng, chính những câu hỏi của các vị giám khảo là những gợi ý cho tôi trong công tác tới đây.

TS Phạm Việt Dũng

Không phải mình muốn làm gì mà là mình phải làm gì

Sau khi nhậm chức, việc đầu tiên ông muốn làm ở cương vị mới là gì?

Tôi cho rằng ở cương vị Tổng Giám đốc, không phải mình muốn làm gì, mà là cần làm gì để công việc tốt hơn. Tôi coi trọng ý kiến của tập thể. Tập thể lãnh đạo cần là một khối đoàn kết, thống nhất.

Thực tế lần này ở Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam không chỉ có sự thay đổi ở chức danh Tổng Giám đốc, mà chức danh Chủ tịch HĐTV cũng thay đổi khi Chủ tịch Hoàng Thành được về nghỉ chế độ. Tôi cũng suy nghĩ và cho rằng, công việc đầu tiên là phải ổn định sao cho sự thay đổi của lãnh đạo không ảnh hưởng đến tình hình chung của đơn vị, đặc biệt không ảnh hưởng đến đảm bảo an toàn trong hoạt động bay, tránh xáo trộn cả về vấn đề tư tưởng cũng như chuyên môn.

“Chương trình hành động là tâm huyết của tôi với ngành quản lý bay”

Sau cuộc thi, Thiếu tướng Hoàng Viết Quang, Phó cục trưởng Cục Tác chiến, Bộ Tổng Tham mưu - thành viên Ban giám khảo khẳng định, các thí sinh đều chỉ ra được những vấn đề bức xúc cần giải quyết của ngành. Ông có thể cho biết cụ thể những vấn đề này?

Trong cuộc thi, thí sinh đã chỉ ra tương đối đầy đủ các vấn đề bức xúc cần giải quyết của ngành. Thậm chí như Thiếu tướng Hoàng Viết Quang nói là do thời gian ngắn nên các thí sinh chủ yếu nói về những vấn đề còn tồn tại bất cập nhiều mà ít nói về thành tựu dù trên thực tế thì những thành tựu mà quản lý bay đạt được trong suốt 20 năm qua là rất nhiều.

Về những vấn đề bức xúc cần giải quyết, theo tôi, trước tiên là con người. Đây là vấn đề hết sức quan trọng, đặc biệt trong vấn đề đảm bảo an toàn. Tôi muốn nhấn mạnh, an toàn là ưu tiên số 1 trong ngành Hàng không nói chung và trong quản lý bay nói riêng. Trong yếu tố an toàn, con người là quan trọng nhất.

Liên quan đến con người, không thể giải quyết ngay một lúc được mà phải có tuần tự, có giải pháp trước mắt và lâu dài. Không thể một sớm một chiều có thể thay đổi được nhận thức của người lao động về tầm quan trọng, nhận thức về an toàn…

Quan trọng thứ hai là về vấn đề liên quan đến trang thiết bị kỹ thuật. Đây là công cụ giúp cho công tác quản lý điều hành chung cũng như công tác chuyên môn về quản lý điều hành bay. Theo tìm hiểu của tôi, các trang thiết bị kỹ thuật cũng có nhiều cái hết khấu hao, phải đầu tư thay thế. Tuy nhiên, bài toán khó là phải làm sao để có thể thay thế được thiết bị cũ hỏng, hết khấu hao nhưng vẫn đảm bảo cân đối chi phí. Nếu chúng ta dồi dào kinh phí, không có gì phải lo nghĩ cả. Cứ có tiền, mua về trang bị là xong. Nhưng trong bối cảnh hiện nay, chúng ta không có đủ kinh phí để có thể cùng một lúc thay thế tất cả thiết bị đó. Do đó phải phân kỳ. Ngay trong cuộc thi, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cũng đã ra câu hỏi về vấn đề này.

Bộ trưởng Đinh La Thăng đã nói, điều quan trọng nhất với các thí sinh trúng tuyển tại các kỳ thi tuyển là vận dụng bài thi của mình vào thực tế công việc. Tới đây khi nhậm chức, điều này sẽ được ông triển khai như thế nào, ông sẽ chú trọng đến điều gì nhất?

Khi làm đề án, chương trình hành động tôi đã dành nhiều tâm sức, nghiêm túc nghĩ về những việc cần làm, những giải pháp đặt ra. Chương trình hành động đó không chỉ là lý thuyết, chỉ dành để đi thi mà đều là tâm huyết của tôi với ngành quản lý bay. Tuy nhiên, trong thời gian tới, tôi sẽ vận dụng không chỉ nội dung trong đề án của mình mà còn phối hợp với anh em, là những thí sính cùng thi, đều là những cán bộ quản lý, những chuyên gia có kinh nghiệm, có trải nghiệm và đã gắn bó lâu dài với ngành, để cùng xây dựng kế hoạch hành động cho ngành thực tế nhất, tốt nhất.

Ngoài ra, câu hỏi của Ban giám khảo trong kỳ thi cũng chính là những gợi ý quý báu, những định hướng trong công việc sau này cho bản thân tôi. Như câu hỏi của nguyên Tổng giám đốc Trung tâm Quản lý bay Việt Nam Trần Xuân Mùi về việc: “Làm sao ngồi một chỗ mà quản lý được toàn bộ vùng trời Việt Nam, khi nào thực hiện được?”. Đây là bài toán vô cùng khó và chúng tôi quyết tâm làm.

Quan điểm của tôi trong công việc là suy nghĩ thấu đáo, bàn luận cụ thể, thống nhất tập thể, chỉ đạo rõ ràng, phân cấp phân nhiệm, công bằng, công khai, công tâm, tạo môi trường làm việc tốt để tất cả mọi thành viên trong đơn vị được cống hiến và phấn đấu.

Xin hỏi ông một câu cuối, ông đánh giá ngành quản lý bay đang ở mức độ nào với khu vực và thế giới?

Sau khi tiếp nhận FIR HCM, ngành quản lý bay của ta đã được quốc tế đánh giá cao. Năm trước, quản lý bay VN đã được Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA) tặng Giải thưởng Đại bàng dành cho nhà cung cấp dịch vụ quản lý bay xuất sắc.

Tôi cho rằng, trình độ của ngành quản lý bay của chúng ta đang ở mức độ ngang tầm khu vực và thế giới. Có điều, cường độ hoạt động bay của ta so với châu Âu, Bắc Mỹ còn chưa cao. Tập thể chúng tôi sẽ nỗ lực để hoạt động Quản lý bay của Việt Nam được nâng cao, chất lượng hơn và chuyên nghiệp hơn.

Cảm ơn ông!


Ngày 27/2, tại trụ sở Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam, Thứ trưởng GTVT Phạm Quý Tiêu đã trao Quyết định số 639, điều động bổ nhiệm ông Phạm Việt Dũng, Chánh Văn phòng Cục Hàng không VN giữ chức Thành viên Hội đồng thành viên kiêm Tổng Giám đốc Tổng công ty Quản lý bay VN kể từ ngày 1/3/2015. Tiến sỹ Phạm Việt Dũng sinh ngày 31/8/1964, tốt nghiệp Học viện Hàng không dân dụng Leningrad (Liên Xô cũ) chuyên ngành không lưu.

Nguồn baogiaothong.vn

Đối tác

Thư viện ảnh

TRỤ SỞ CHÍNH

 
 
414 Nguyễn Văn Cừ, Quận Long Biên, Hà Nội, Việt Nam
 
Tel:(84-4) 38770266 / 38271939
Fax:(84-4) 38271925 / 38732439
Email:contact@airimex.vn
 
 
414 Nguyen Van Cu street, Long Bien District, Hanoi, Viet Nam
 
Tel:(84-4) 38770266 / 38271939 
Fax:(84-4) 38271925 / 38732439
Email:contact@airimex.vn

CHI NHÁNH AIRIMEX

Toà nhà Vietnam Airlines tại phía Nam, 49 đường Trường Sơn, quận Tân Bình, TP.HCM, Việt Nam

Tel:(84.8) 38488773
Fax:(84.8) 38488772
Email:t.trungdung@airimex.vn

airimexhcm@hcm.fpt.vn

Vietnam Airlines building in the South, 49 Truong Son Street, Tan Binh District, Ho Chi Minh City, Vietnam
 
Tel:(84-8) 38488773
Fax:(84-8) 38488772
Email: t.trungdung@airimex.vn 
 airimexhcm@hcm.fpt.vn

PHÒNG VÉ MÁY BAY

Số 414 Nguyễn Văn Cừ, phường Bồ Đề, quận Long Biên, TP. Hà Nội, Việt Nam
 
Tel:(84-4) 37320995/37324155/37320996
Fax:(84-4) 37320997
Email:

airbookofc@hn.vnn.vn

n.thuhoai@airimex.vn

No 414 Nguyen Van Cu, Bo De Ward, Long Bien District, Hanoi, Vietnam
 
Tel:(84-4) 37320995/37324155/37320996
Fax:(84-4) 37320997
Email:

airbookofc@hn.vnn.vn

n.thuhoai@airimex.vn